Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa và chất thải nhựa ở biển cho Việt Nam?

Chủ đề của Ngày môi trường thế giới năm nay là chống lại ô nhiễm chất thải nhựa trên toàn thế giới, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển - một trong những vấn đề nóng bỏng đang được nhiều nước quan tâm. Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết của PGS. TS. Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa và chất thải nhựa ở biển cho Việt Nam.

1. Ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương thế giới và tác động của nó tới môi trường, sinh thái 

Sản phẩm nhựa rất tiện lợi để sử dụng, do vậy việc sản xuất các sản phẩm nhựa liên tục tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Sự gia tăng sản xuất, buôn bán và sử dụng dẫn tới gia tăng chất thải nhựa. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, tổng lượng chất thải nhựa mang ra đại dương thế giới do dòng chảy của các con sông, do thải trực tiếp từ các hoạt động trên bờ biển và trên biển là khoảng 6,4 triệu tấn. Theo UNEP, tới 80% các rác thải trong đại dương thế  giới là rác thải nhựa, và hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa bị rò rỉ xuống biển mỗi năm. Theo Jambeck và nnk (2015), hiện nay đại dương thế giới đã chứa khoảng 275 triệu tấn chất thải nhựa. Tính trung bình, mỗi km2 mặt nước đại dương thế giới hiện nay chứa từ 13.000 tới 18.000 mẩu rác thải nhựa. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA, 2008), khoảng 49% rác thải nhựa là nổi và sẽ bị vận chuyển đi khắp đại dương thế giới, sau đó tích tụ lại tại các xoáy quy mô lớn trên biển. Một lượng rất lớn rác thải nhựa ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển (Greenpeace, 2017). Chất thải nhựa đã gây thiệt hại tới 8 tỷ USD cho hệ sinh thái biển.

Rác thải nhựa được phân thành rác thải nhựa lớn (có kích thước lớn hơn 1mm), rác thải vi nhựa (có kích thước từ 1mm tới 1m) và rác thải nano nhựa (có kích thước nhỏ hơn 1m). Hầu hết chất thải nhựa có tốc độ phân hủy sinh học rất nhỏ và sẽ vỡ thành những hạt nhỏ hơn, và cuối cùng là các hạt vi nhựa.

Chất thải nhựa không chỉ là vấn nạn đối với các nước đang phát triển mà còn là vấn nạn của các nước phát triển. Cauwenberghe và nnk (2013) điều tra tại các bãi biển của Bỉ và thấy rằng tại một số bãi biển của Bỉ, lượng rác thải nhựa lớn nằm trong khoảng từ 0,5kg/km tới hơn 50kg/km tính theo chiều dài bãi. Cũng có khoảng 1.600 tới 8.500 mẩu rác thải nhựa trên mỗi km2 bãi biển. Đối với vùng biển gần bờ, vào năm 2011, tại một số địa điểm có trung bình khoảng 2.724 tới 3.875 mẩu rác thải nhựa lớn trên 1km2 mặt biển, tức 0,255kg/km2 tới 0,829kg/km2 mặt biển. Tại đáy biển, có trung bình 4.198 tới 8.594 mẩu rác thải nhựa lớn trên 1km2, tức là khoảng 0,429kg/km2 tới 0,703kg/km2 đáy biển. Về rác thải vi nhựa, Claessens và nnk (2011) và  Cauwenberghe và nnk (2013) thấy rằng có khoảng 23kg/km2 rác thải vi nhựa trong bùn trên bãi và đáy biển và 7kg/km2 trong tầng nước biển gần bãi biển và vùng biển sát bờ của Bỉ nêu ở trên.

Ô nhiễm chất thải nhựa ở biển là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người v.v. Các dụng cụ đánh cá bị bỏ, thí dụ như lưới, có khả năng làm vướng và giết chết các động vật biển theo kiểu mà người ta gọi là “đánh cá ma”. Nhiều động vật biển bị chết hoặc trở thành mồi săn do mắc phải các lưới bị bỏ đi (Hình 1).

Hình 1. Thú biển và rùa biển bị mắc vào lưới bỏ đi (nguồn: internet)

Thú biển, rùa biển, chim biển và các động vật giáp xác rất dễ bị tổn thương do nuốt phải và bị hóc rác thải nhựa. Nuốt rác thải nhựa có thể gây ra những tác động xấu tới các sinh vật biển, thí dụ như làm giảm khả năng sinh sản và tăng sự khó chịu. Do nuốt phải quá nhiều mẩu nhựa hoặc túi ni-lon, nhiều loài động vật biển bị cảm giác no giả tạo, dẫn đến suy dinh dưỡng, thậm chí chết đói (Laist, 1997). Các loại sinh vật kiếm mồi bằng cách lọc nước đã nuốt các hạt vi nhựa và do vậy các hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào trong tế bào của chúng. Cauwenberghe và nnk (2013, 2014) phát hiện rằng các hạt vi nhựa đã xâm nhập vào các tế bào của vẹm, hàu và giun biển ở bờ biển Bỉ. Các nhà khoa học đã phát hiện thấy các hạt vi nhựa trong muối ăn, thậm chí nước máy, nước đóng chai của các thương hiệu nổi tiếng và bia. Các hạt vi nhựa không chỉ tồn tại trong nước mà cả trong không khí. Chất thải nhựa cũng có thể hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) khi trôi nổi trên biển, và các chất độc hại này có thể thấm vào các tế bào và các cơ quan nội tạng của động vật khi tiêu hóa (Fendall và Sewell, 2009, Teuten và nnk, 2009). Do tính khuếch đại sinh học, nồng độ các chất độc trong các động vật biển sẽ gia tăng theo hướng từ đáy chuỗi thức ăn (động vật phù du) tới đỉnh chuỗi thức ăn (cá kiếm hay cá ngừ), và có thể gây nguy hiểm cho người ăn hải sản. Người ta đã ghi nhận được rằng các loài có vú trên cạn như sư từ biển hay gấu Bắc Cực cũng bị ảnh hưởng bởi các chất độc có nguồn gốc từ rác thải nhựa ở biển. Rác thải nhựa ở biển cũng vận chuyển các sinh vật ngoại lai xâm hại, và do vậy có thể làm thay đổi thành phần loài, thậm chí sự tuyệt diệt của một số loài trong các hệ sinh thái (Aliani and Molcard 2003).

Cát biển có chứa rác thải nhựa sẽ có độ thấm nước lớn và độ dẫn nhiệt nhỏ. Do vậy, nhiệt từ cát bề mặt sẽ khó dẫn xuống các lớp cát sâu. Điều này làm cho các loài bò sát có giới tính khi nở phụ thuộc vào nhiệt độ ấp trứng mất cân bằng giới tính và có khả năng dẫn đến tuyệt chủng (Carson và nnk, 2011).

Ngoài ra, rác thải nhựa ở biển có thể có tác động xấu tới du lịch, vận chuyển tàu thủy, hoạt động của thuyền, đánh cá và lấy nước. McIlgorm và nnk (2011) ước tính rằng các thiệt hại do rác thải nhựa ở biển gây ra tới các ngành công nghiệp biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khoảng 1,26 tỷ USD hàng năm. Có lẽ cùng với sự gia tăng của rác thải nhựa ở biển cũng như các hoạt động công nghiệp biển, thiệt hại do rác thải nhựa ở biển tới các ngành công nghiệp biển đang gia tăng.

2. Rác thải nhựa ở biển Việt Nam và Biển Đông

Nghiên cứu gần đây (Jambeck và nnk, 2015) đánh giá rằng 50% lượng rác thải nhựa ở biển trên toàn thế giới là do các nước xunh quanh Biển Đông như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan; trong đó Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa ra biển. Tuy nhiên, có một số bất cập trong nghiên cứu của Jambeck và nnk (2015). Các tác giả này sử dụng số liệu của Ngân hàng thế giới (Hoornweg và Bhada-Tata, 2012) được tính toán cho các đô thị. Theo đó, tổng số dân Việt Nam sống gần bờ biển là 55,9 triệu người với tỷ lệ rác thải nhựa trong tổng số rác thải là 13% và lượng rác thải được thu gom, xử lý không đúng cách là 88%. Từ đó, các tác giả cho rằng lượng rác thải nhựa chưa được thu gom, xử lý đúng cách là 1,83 triệu tấn/năm. Từ những kết quả nêu trên, các tác giả này cho rằng lượng rác thải nhựa thải ra biển hàng năm của Việt Nam nằm trong khoảng 0.28 tới 0.73 triệu tấn, hay khoảng 6% của lượng rác thải nhựa ra biển trên toàn thế giới.

Trong thực tế, đại đa số dân sống ven biển của Việt Nam là dân nông thôn. Hiện nay, chưa có thống kê đầy đủ về lượng dân sống tại các đô thị ven biển, nhưng nếu giả thiết rằng tỷ lệ dân sống tại các đô thị ven biển cao hơn tỷ lệ dân sống tại các đô thị trong phạm vi cả nước, tức là vào khoảng 40%, thì lượng dân sống ở đô thị chỉ khoảng 22,4 tr. người. Rác thải của dân nông thôn có một tỷ lệ rất nhỏ rác thải nhựa, chủ yếu chứa túi nilon loại rẻ tiền ở các chợ dân sinh. Dân nông thôn rất ít khi mua hàng ở siêu thị nên hầu như không có rác thải là hộp xốp. Ngoài ra, dân nông thôn rất ít mua chai nước, và chai nhựa đựng nước ở Việt Nam hầu như được thu gom, tái chế đến 100% nên lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ chai nhựa đựng nước rất ít. Mặt khác, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015, khoảng 46% chất thải rắn ở Việt  Nam là chất thải rắn đô thị, 17% từ sản xuất công nghiệp, còn lại là chất thải rắn nông thôn, làng nghề và y tế. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị khá cao, khoảng 84% tới 85%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn chỉ vào khoảng 40%, chủ yếu tại các thị trấn, thị tứ. Chất thải rắn chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp lộ thiên hoặc lò đốt chất thải.

Từ các con số nêu trên, có thể thấy lượng rác thải nhựa ra biển ở Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với con số mà Jambeck và nnk (2015) đưa ra. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng biển Việt Nam hiện nay rất nhiều rác. Tại các bãi tắm được dọn rác thường xuyên, có thể thấy rất nhiều túi nilon trôi trong nước. Tại một số khu vực như hình 2, rác thải nhựa đã tích tụ bằng một lượng rất lớn trên bãi biển.

  

Hình 2 (a) Rác thải nhựa tại rừng ngập mặn Thanh Hóa (nguồn internet) và rác thải nhựa gần cảng Cái Rồng, Vân Đồn (ảnh của tác giả)

Hiện nay, hiểu biết về rác thải nhựa ở biển tại Việt Nam còn rất hạn chế. Vì giá thành rẻ và tiện dụng, các sản phẩm nhựa hiện nay được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, nhưng rác thải nhựa chưa được quản lý và tái sử dụng, tái chế phù hợp. Hiện nay, chưa có những quy định pháp luật cụ thể để quản lý việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa và quản lý rác thải nhựa. Dự báo rằng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nếu không hành động ngay và khẩn cấp, lượng rác thải nhựa bị thải ra biển của Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ, và sẽ có tác hại rất lớn không chỉ tới tới môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển mà còn có tác hại tới vùng biển các nước khác trong khu vực.

3. Các giải pháp làm giảm rác thải nhựa ở biển

Có một số phương pháp để giảm ô nhiễm rác thải nhựa ở biển. Phương pháp thứ nhất là quản lý chất thải rắn từ nguồn để làm tăng lượng rác thải nhựa tái chế. Cách này yêu cầu phải phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình hoặc cơ sở du lịch và một hệ thống xử lý rác hiệu quả. Phương pháp thứ 2 là giảm chất thải nhựa bằng cách giảm việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa bằng cách lựa chọn các loại sản phẩm khác. Phương pháp thứ 3 là sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học để thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Để thực hiện hiệu quả 3 phương pháp nêu trên, cần phải cải tiến hệ thống pháp luật quốc gia để quản lý tốt hơn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa và quản lý tốt hơn chất thải nhựa. Đồng thời, cần phải thay đổi thái độ của người dân đổi với việc sử dụng sản phẩm nhựa thông qua giáo dục và truyền thông. Điều này có nghĩa là người dân phải hiểu biết về nguồn gốc và tính nguy hiểm của rác thải nhựa ở biển, và do vậy giảm sử dụng sản phẩm nhựa bằng cách sử dụng các sản phẩm khác cũng như quản lý tốt hơn chất thải nhựa với mục đích giảm rác thải nhựa ở biển nói riêng cũng như ô nhiễm chất thải nhựa nói riêng.

Các hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa ở biển bao gồm đánh giá tốt hơn hiện trạng rác thải nhựa ở biển ở Việt Nam, học tập tốt hơn các kinh nghiệm nước ngoài, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục và vận động để tăng cường sự hiểu biết của công chúng về các tác động xấu của rác thải nhựa, việc sản xuất, buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa. Các luật và quy định dưới luật hiện nay về quản lý chất thải rắn yêu cầu phải được sửa đổi để bao gồm cả các quy định pháp luật về xử lý đặc biệt đối với chất thải nhựa. Các giải pháp khuyến khích việc hạn chế sản xuất, buôn bán và sử dụng các sản phẩm nhựa nên được áp dụng. 

Một trong những cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở biển là nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải nhựa ở biển và những tác hại của nó. Mọi người phải thay đổi thái độ của họ về việc sử dụng sản phẩm nhựa và phải hiểu rằng có các lựa chọn thay thế cho việc sử dụng sản phẩm nhựa. Đồng thời, các giải pháp khuyến khích việc hạn chế sản xuất và buôn bán sản phẩm nhựa cần được áp dụng. Có thể thực hiện một phần những nội dung này bằng các chương trình giáo dục và tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa ở biển, các tác hại của nó và những lựa chọn thay thế cho việc sử dụng sản phẩm nhựa tại Việt Nam. Ngoài ra, cần khuyến khích tái sử dụng các sản phẩm nhựa làm bao bì cho hàng hóa. Thí dụ, các hộp đựng kem, đựng thực phẩm có thể được hộ gia đình tái sử dụng làm hộp đựng thức ăn, giảm lượng màng hoặc túi nilon dùng bọc để giữ thực phẩm trong tủ lạnh.

Cần có những chính sách kiểm soát và tài chính phù hợp để hạn chế túi nilon. Thí dụ, coi túi nilon là một loại hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm đặc biệt, cần phải được cấp phép để sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng thuế môi trường đối với loại túi này; kết hợp giữa các lực lượng cảnh sát môi trường, cơ quan thuế và cơ quan bảo vệ môi trường để loại trừ việc sản xuất trái phép các loại túi nilon rẻ tiền.

Cần nhận thức rằng hiện nay Việt Nam đang là một nước có mức tiêu thụ nhựa thấp so với thế giới và yêu cầu phát triển kinh tế vẫn đòi hỏi sử dụng rất nhiều sản phẩm nhựa. Do vậy, việc quản lý tốt rác thải nhựa sẽ là điều kiện tiên quyết dể giải quyết vấn đề này. Muốn làm như vậy, phải có những quy định bắt buộc bằng văn bản pháp luật về việc cần phân loại, thu gom và tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Đối với đô thị, cần xây dựng các mô hình phân loại rác thải nhựa tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Đối với nông thôn, cần xây dựng và phổ biến mô hình tự xử lý rác thải tại hộ gia đình, trong đó phân loại rác thải nhựa để thu gom tập trung tái chế hoặc xử lý. Cần xây dựng và áp dụng một cơ chế tài chính bền vững cho việc này.

PGS.TS. Vũ Thanh Ca
Khoa Môi trường
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015) Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia.
Tiếng Anh
2. Aliani S, Molcard A (2003) Hitch-Hiking on fl oating marine debris: macrobenthic species in the Western Mediterranean Sea. Hydrobiologia 503(1):59–67
3. Cauwenberghe L.V., M. Claessens, M.B. Vandegehuchte, J. Mees, C.R. Janssen (2013) Assessment of marine debris on the Belgian Continental Shelf. Marine Pollution Bulletin, 73. 161-169.
4. Cauwenberghe L.V. and C. R. Janssen (2014) Microplastics in bivalves cultured for human consumption. Environmental Pollution, 193. 65-70.
5. Carson HS, Colbert SL, Kaylor MJ, McDermid KJ (2011) Small plastic debris changes water movement and heat transfer through beach sediments. Mar Pollut Bull 62(8):1708–1713.
6. Claessens, M., De Meester, S., Van Landuyt, L., De Clerck, K., Janssen, C.R. (2011) Occurence and distribution of microplastics in marine sediments along theBelgian coast. Mar. Pollut. Bull. 62, 2199–2204.
7. EPA (2008) Municipal solid waste generation, recycling and disposal in the United States: facts and figures for 2008, United States Environmental Protection Agency.
8. Fendall LS, Sewell MA (2009) Contributing to marine pollution by washing your face: microplastics in facial cleansers. Mar Pollut Bull 58(8):1225–1228.
9. Greenpeace (2017) https://www.greenpeace.org/international/story/11871/the-ocean-plastic-crisis/
10. Hoornweg D., P. Bhada-Tata (2012) What a waste: A global review of solid waste management. The World Bank, Washington, DC. https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/17388
11. Jambeck J.R., R. Geyer, C. Wilcox, T. R. Siegler, M. Perryman, A. Andrady, R. Narayan, K. L. Law (2015) Plastic waste inputs from land into the ocean. Science 347, 768-771.
12. Laist DW (1997) Impacts of marine debris: entanglement of marine life in marine debris including a comprehensive list of species with entanglement and ingestion records. In: Coe JM, Rogers DB (eds) Marine debris: sources, impacts, and solutions. Springer Series on Environmental Management, pp 99–139.
13. McIlgorm A, Campbell HF, Rule MJ (2011) The economic cost and control of marine debris damage in the Asia-Paci fi c region. Ocean Coastal Manage 54(9):643–651.
14. Teuten EL, Saquing JM, Knappe DRU, Barlaz MA, Jonsson S, Björn A, Rowland SJ, Thompson RC, Galloway TS, Yamashita R, Ochi D, Watanuki Y, Moore C, Viet PH, Tana TS, Prudente M, Boonyatumanond R, Zakaria MP, Akkhavong K, Ogata Y, Hirai H, Iwasa S, Mizukawa K, Hagino Y, Imamura A, Saha M, Takada H (2009) Transport and release of chemicals from plastics to the environment and to wildlife. Philos Trans Royal Soc B: Biol Sci 364(1526): 2027–2045.

  • 10/23/2020 2:50:14 AM